Chẩn đoán và điều trị u mạch máu gan như thế nào?

U mạch máu gan là một dạng tổn thương do sự tập trung nhiều mạch máu gây ra. Chẩn đoán u mạch máu gan thường dựa vào các dấu hiệu cận lâm sàng vì chúng ít gây ra biểu hiện rõ ràng, trong hầu hết các trường hợp sau khi được chẩn đoán không cần phải điều trị. 

Chẩn đoán u mạch máu gan thế nào?

Chẩn đoán và điều trị u mạch máu gan như thế nào?

U máu gan là tổn thương gan lành tính do sự tập trung nhiều mạch máu tạo thành. Đa số không gây ra biểu hiện khi gặp phải tình trạng này. Một số dấu hiệu lâm sàng có thể gặp khi bị u máu, tuy rất ít gặp và không đặc hiệu. Nhưng biểu hiện lâm sàng có thể giúp định hướng chẩn đoán u mạch máu gan:

  • Đau tức vùng hạ sườn phải do khối u gây căng giãn bao gan hoặc do chèn ép vào nhu mô gan.
  • Ăn kém, nhanh no và mệt mỏi. 
  • Khối u to có thể gây ra chèn ép đường mật biểu hiện tắc mật như đau vùng gan, sốt, vàng da…nhưng trường này rất hiếm khi xảy ra. 
  • Biến chứng vỡ u: Hiếm gặp tình trạng vỡ u máu, thường gặp sau chấn thương vùng gan. Có thể gây ra chảy máu nhiều, chảy máu vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốt… 

Chính vì các dấu hiệu thường rất ít xảy ra và thường không đặc hiệu cho nên, việc chẩn đoán chủ yếu sử dụng các biện pháp cận lâm sàng.

  • Xét nghiệm hoá sinh: Ít có sự thay đổi
  • Chẩn đoán hình ảnh: Đây là biện pháp chẩn đoán chủ yếu để xác định khối u mạch máu gan.
  • Siêu âm: Hình ảnh u máu trên siêu rất thay đổi, thể hay gặp nhất đó là một khối tăng âm, thể giảm âm thường hiếm, thể hỗn hợp hay gặp ở những u máu lớn trên 4cm, u máu xuất huyết... Giới khối u máu rõ ràng, không có sự chuyển tiếp giữa vùng tổn thương và nhu mô gan lành, đôi khi thấy hình ảnh chia thùy, thường có tăng âm phía sau khối. Chúng thường nằm ở vùng ngoại vi của gan hoặc tiếp cận với một tĩnh mạch gan. 
  • Chụp cắt lớp vi tính: Đây là phương pháp sử dụng tia X chiếu qua nhu mô gan để khảo sát các tổn thương trên gan. Trước khi tiêm thuốc cản quang, tổn thương là một vùng giảm tỷ trọng, nhưng trong trường hợp các u máu lớn, đôi khi vùng trung tâm có tỷ trọng khác với vùng ngoại vi tương ứng với tổn thương xơ, chảy máu hoặc vôi hóa. Sau khi tiêm thuốc cản quang, tổn thương bắt thuốc cản quang thành nốt ở ngoại vi, sau đó lấp đầy dần vào vùng trung tâm tổn thương và trên các lớp cắt muộn, thuốc cản quang lấp đầy khối u máu một cách đồng đều.
  • Chụp MRI: Thông thường siêu âm và chụp cắt lớp vi tính đã có thể đưa ra chẩn đoán bệnh. Nhưng với những trường hợp còn nghi ngờ, thì cộng hưởng từ là phương pháp tốt nhất có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để chẩn đoán u mạch máu gan. 
  • Sinh thiết: Trong các trường hợp không đặc hiệu, nghi ngờ tổn thương ác tính. Người ta thường cần sinh thiết để xác định chính xác tổn thương, loại trừ ác tính. 

Cách điều trị u mạch máu gan 

Khối u máu gan nhỏ và không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng, không có nguy cơ biến chứng thì không cần điều trị. Nhưng cần theo dõi định kỳ khoảng 6 tháng 1 lần để  kiểm tra sự tăng trưởng khối u máu gan nếu khối u máu gan lớn, cần được điều trị để tránh biến chứng. 

Điều trị u máu chỉ đặt ra cho các trường hợp u máu gan lớn đè đẩy cấu trúc gan gây ra biểu hiện đau hay tổn thương gan, tắc mật…

Một số lựa chọn điều trị u mạch máu gan bao gồm:

  • Phẫu thuật: Có thể phẫu thuật để loại bỏ các khối u máu gan. Nếu khối u mạch máu gan tiên lượng có thể dễ dàng tách ra khỏi gan, thì có phẫu thuật để loại bỏ. Trong một số trường hợp, khi khối u máu ở vị trí khó khăn để tách ra thì cần phải loại bỏ một phần gan cùng với khối u máu gan.
  • Phẫu thuật ghép gan: Trong số  rất hiếm trường hợp, nếu có một khối u máu gan rất lớn hoặc quá nhiều u mạch máu mà không thể được điều trị bằng các phương pháp khác, có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ gan và thay thế nó bằng một phần gan từ người khác phù hợp.
  • Nút mạch gan: Nhằm để ngăn chặn lưu lượng máu đến khối u máu gan. Khi không có một nguồn cung cấp máu, thì khối u máu gan có thể ngừng phát triển hoặc thu nhỏ lại. Có hai cách để ngăn chặn dòng chảy của máu đó là thắt động mạch gan và tiêm chất gây tắc mạch máu gan. 
  • Liệu pháp xạ trị: Xạ trị là biện pháp sử dụng chùm tia năng lượng mạnh, làm tổn hại đến các tế bào của khối u máu gan. Tuy nhiên ngày nay phương pháp điều trị này rất ít được sử dụng.

U mạch máu gan có thể được chẩn đoán bằng các phương tiện thăm khám cận lâm sàng và hầu như không phải điều trị. Chỉ điều trị khi thực sự cần thiết, gây ra biến chứng cho người bệnh. Lưu ý hiện này chưa có loại thuốc nào chứng minh hiệu quả giúp thu nhỏ u mạch máu gan, cho nên đừng dùng thuốc bừa bãi để tránh gây hại cho cơ thể bạn nhé!

Dịch vụ liên quan:

  1. LASER XUNG DÀI là phương pháp điều trị U mạch máu trẻ em an toàn, không để lại sẹo
  2. U máu gan trên siêu âm có hình ảnh như thế nào?
  3. U máu trong gan là bệnh gì?

 

Tags:

Bài viết liên quan