Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG

Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG

                                                                          PGS. TS.BS Phạm Hữu Nghị

Tóm tắt:

Hồ tĩnh mạch ở môi đỏ là một loại dị dạng tĩnh mạch. Bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường như phẫu thuật, áp lạnh… phương pháp điều trị bằng laser đặc biệt là laser Nd:YAG là một phương pháp mới, được áp dụng ngày càng nhiều và đã chứng tỏ tính hiệu quả cao. Chúng tôi đã tiến hành điều trị cho 37 bệnh nhân, tuổi 18-63, có hồ tĩnh mạch ở môi đỏ bằng laser Nd:YAG. Kĩ thuật điều trị là chiếu laser quang đông từng điểm kết hợp song song với làm xẹp mạch. Kết quả điều trị: 35 bệnh nhân (94,6%) đạt kết quả tốt sau 1 lần điều trị, có 2 bệnh nhân đạt kết quả vừa, không có kết quả kém. Ưu điểm của phương pháp laser Nd:YAG trong điều trị hồ tĩnh mạch ở môi đỏ là tính hiệu quả cao,  không chảy máu, phần lớn chỉ cần 1 lần điều trị, tuy nhiên có thể có sẹo.

 

Từ khóa: Hồ tĩnh mạch, laser Nd:YAG.

 

I-Đặt vấn đề:

Hồ tĩnh mạch (Venous lake) ở niêm mạc môi đỏ là một loại bệnh lý thuộc loại dị dạng tĩnh mạch trong các bất thường mạch máu. Các tổn thương này là những tổn thương mắc phải và tương đối hay gặp với diễn biến có xu hướng phát triển to dần, đôi khi có thể gặp có sỏi bên trong. Hồ tĩnh mạch là tổn thương lành tính song khi bị chạm thương như chọc phải, cắn phải…sẽ chảy máu nhiều hoặc có thể bị viêm tắc, nhiễm trùng gây đau, loét…bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ vì thế rất cần được điều trị. Phương pháp điều trị thông thường nhất hiện nay là phẫu thuật. Gần đây, trên thế giới, việc ứng dụng laser để điều trị các bất thường mạch máu (trong đó có hồ tĩnh mạch) ngày càng nhiều và đã chứng tỏ tính hiệu quả cao. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng laser Nd:YAG trong điều trị các hồ tĩnh mạch ở môi đỏ với mục tiêu đánh giá tác dụng điều trị của phương pháp này trên thực tế người Việt Nam trưởng thành.

 

II-Đối tượng và phương pháp:

1 – Đối tượng:

  • Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân là người Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, bị hồ tĩnh mạch đơn thuần ở vùng môi đỏ.
  • Tiêu chuẩn loại trừ: Hồ tĩnh mạch có sỏi hoặc đang bị viêm tắc hoặc bị chảy máu. Hồ tĩnh mạch trong thông động tĩnh mạch. Bệnh nhân dưới 18 tuổi.

2 – Phương pháp:

a. Phương tiện điều trị: Laser Nd:YAG.

b. Đánh giá kết quả

  • Thời điểm đánh giá kết quả: sau điều trị ít nhất 3 tháng trở đi.
  • Kết quả điều trị dựa trên 3 tiêu chí, đó là hiệu quả làm mất tổn thương bệnh lý; mức độ sẹo và chức năng thẩm mỹ.
  • Tiêu chuẩn đánh giá kết quả:
Mức độ kêt quả Mức độ mất tổn thương Mức độ sẹo Thẩm mỹ
Tốt

 

Mất 100% Sẹo phẳng BN hài lòng
Vừa Mất ≥ 50% Sẹo phẳng BN không phàn nàn vì sẹo
Kém Mất < 50%

 

Sẹo xấu (phì đại, co kéo…) BN phàn nàn vì sẹo

Các kết quả kém là những trường hợp mà kết quả điều trị chỉ cần có ít nhất 1 trong 3 tiêu chí ở mức kết quả kém.

  • Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê

 

III-Kết quả nghiên cứu:

1 – Đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu

  • Tổng số bệnh nhân (BN) nghiên cứu: 37
  • Giới tính: nam 14 BN (37,84%); nữ: 23 BN (62,16%).
  • Tuổi: 18- 63; trung bình: 34±7,3

 

2 – Kết quả điều trị

Bảng 3.3: Kết quả điều trị:

Kết quả tốt Kết quả vừa Kết quả kém
Số BN 35 2 0
Tỉ lệ 94,6% 5,4% 0%
  • Không có bệnh nhân nào bị biến chứng sau chiếu như nhiễm trùng, chảy máu hay di chứng có sẹo xấu gây co rúm biến dạng môi hay bị sẹo lồi, sẹo phì đại.
  • 2 bệnh nhân có kết quả vừa là do tổn thương hồ tĩnh mạch chưa hết hoàn toàn song sẹo đẹp, bệnh nhân đồng ý điều trị tiếp, không có phàn nàn gì .
  • Không có trường hợp nào bị tái phát từ năm 2010 đến nay.
  • Có 35 bệnh nhân (94,6%) chỉ cần 1 lần điều trị.

 

Sau đây là một số kết quả điều trị:

Hình 3.1: Bệnh nhân PVH, 45 tuổi, bị HTM (Ø = 10mm) ở môi dưới.

A – ảnh trước điều trị B – ảnh sau điều trị bằng laser Nd:YAG đạt kết quả tốt
Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 1 Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 2

 

Hình 3.2: Bệnh nhân NTT, 38 tuổi, bị HTM (Ø = 8 mm) ở môi dưới.

A – ảnh trước điều trị B – ảnh sau điều trị bằng laser Nd:YAG đạt kết quả tốt
Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 3 Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 4

 

Hình 3.3: Bệnh nhân VTTV, 63 tuổi, bị HTM (Ø = 10 mm) ở môi trên.

A – ảnh trước điều trị B – ảnh sau điều trị bằng laser Nd:YAG đạt kết quả tốt
Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 5 Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 6

 

Hình 3.4: Bệnh nhân PTM, 20 tuổi, bị HTM (Ø = 8 mm) ở môi dưới. A là ảnh trước điều trị. B là ảnh sau điều trị bằng laser Nd :YAG đạt kết quả tốt.

A – ảnh trước điều trị B – ảnh sau điều trị bằng laser Nd:YAG đạt kết quả tốt
Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 7 Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 8

 

Hình 3.5: Bệnh nhân ĐVT, 28 tuổi, bị HTM (Ø = 7 mm) ở môi dưới. A là ảnh trước điều trị. B là ảnh sau điều trị bằng laser Nd:YAG đạt kết quả tốt.

A – ảnh trước điều trị B – ảnh sau điều trị bằng laser Nd:YAG đạt kết quả tốt
Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 9 Điều trị dị dạng hồ tĩnh mạch ở niêm mạc môi đỏ bằng laser Nd:YAG 10

 

IV-Bàn luận

Các dị dạng tĩnh mạch với lưu lượng máu thấp bao gồm các dị dạng đơn lẻ, rời rạc (chiếm 95%) và các dị dạng búi tĩnh mạch (chiếm 5%). Hồ tĩnh mạch là một thể tổn thương đơn giản, đơn lẻ trong các dị dạng tĩnh mạch, được mô tả lần đầu bởi Bean và Walsh vào năm 1956. Hình ảnh lâm sàng là nốt sẩn cục màu đỏ tím xanh nên có khi bị nhầm với các u mạch máu, các u sắc tố hay u tế bào đáy. Hồ tĩnh mạch hay gặp ở người nhiều tuổi và ở vùng tiếp xúc với ánh nắng. Vùng niêm mạc môi đỏ là một vị trí hay gặp có hồ tĩnh mạch. Tổn thương hồ tĩnh mạch là do các tĩnh mạch nhỏ dãn to. Các phình mạch của mao mạch tĩnh mạch được cho là tổn thương ban đầu của hồ tĩnh mạch. Nguyên nhân bệnh sinh của hồ tĩnh mạch hiện vẫn chưa rõ nhưng có thể do bất thường trong quá trình tạo mạch (Vasculogenesis).  P Brouillard và M Vikkula thấy có thể đột biến gen TIE2 tại vị trí 9p21 là một trong các nguyên nhân gây nên các dị dạng tĩnh mạch dạng đơn lẻ rải rác mà trong đó có hồ tĩnh mạch. Điều trị các hồ tĩnh mạch phải dùng đến các phương pháp can thiệp tại chỗ như phẫu thuật, áp lạnh, tiêm xơ…, phương pháp điều trị nội khoa không có tác dụng. Dùng laser để can thiệp tại chỗ là phương pháp mới. Có nhiều loại laser đã được dùng để điều trị như laser CO2, laser bán dẫn, laser Nd:YAG, laser KTP, laser màu bước sóng 595 nm, trong đó được dùng nhiều nhất là laser Nd:YAG. Chúng tôi áp dụng phương pháp kết hợp. Chúng tôi thấy phương pháp này có ưu điểm là không chảy máu trong tiến hành thủ thuật, ngay sau điều trị đã thấy hồ tĩnh mạch không xuất hiện trở lại và kết quả xa có hiệu quả điều trị cao với kết quả tốt và đa số bệnh nhân chỉ cần một lần điều trị. Hai bệnh nhân chưa hết tổn thương do còn sót tổn thương ở vùng rìa và được tiếp tục điều trị đã hết, không bệnh nhân nào bị sẹo lồi, tuy nhiên ở một số bệnh nhân có thể có vết sẹo mờ.

 

V – Kết luận

Kết quả nghiên cứu điều trị các hồ tĩnh mạch ở môi đỏ bằng laser Nd :YAG cho thấy đây là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao với 94,6% đạt kết quả tốt, tiến hành không phức tạp. Kĩ thuật vừa chiếu laser Nd :YAG quang đông vừa làm xẹp hồ tĩnh mạch làm giảm tối đa số lần điều trị, sẹo đẹp và không gặp biến chứng nào.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Đăng kí tham gia
“Hồi sinh làn da sau mùa dịch”

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
TỪ BÁC SĨ