Điều trị dị dạng tĩnh mạch nông niêm mạc môi má bằng laser Nd:YAG quang đông bề mặt
Điều trị dị dạng tĩnh mạch nông niêm mạc môi má bằng laser Nd:YAG quang đông bề mặt
ThS Trần Thị Bích Thủy. Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba
PGS.TS Phạm Hữu Nghị
Tóm tắt:
Mục tiêu: Laser Nd:YAG là loại laser với nhiều ưu điểm như: đặc tính xuyên sâu gây hiệu ứng quang đông rộng, hiệu quả điều trị cao, thời gian điều trị ngắn vì thế đã được ứng dụng để điều trị các tổn thương mạch máu nông trong khoang miệng.
Đối tượng và phương pháp: Chúng tôi đã tiến hành điều trị cho 31 bệnh nhân có tổn thương dị dạng tĩnh mạch nông niêm mạc môi- má bằng kỹ thuật laser Nd:YAG quang đông bề mặt. Thời gian theo dõi sau điều trị từ 3-30 tháng…
Kết quả: 100% đạt kết quả tốt và vừa, với số lần điều trị ít, không gây biến chứng chảy máu, ít tái phát…
Kết luận: Điều trị dị dạng tĩnh mạch nông niêm mạc môi má bằng laser Nd:YAG là một phương pháp điều trị có hiệu quả.
Từ khóa: Bất thường mạch máu, Dị dạng tĩnh mạch, Laser Nd:YAG
I. Đặt vấn đề
Dị dạng tĩnh mạch (DDTM) nông ở niêm mạc môi- má là những tổn thương lành tính gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng, thẩm mỹ, cũng như tâm lý của người bệnh. Cho đến nay có nhiều phương pháp điều trị như áp lạnh, tiêm xơ, phẫu thuật, chiếu xạ...nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Gần đây laser đã được áp dụng và thu được nhiều kết quả khả quan, ít biến chứng. Có hai loại laser được sử dụng để điều trị dị dạng tĩnh mạch. Loại thứ nhất có tác dụng điều trị chọn lọc với Hemoglobin làm tổn thương nội mạc các mạch máu nhỏ như laser màu, có kết quả tốt nhưng thời gian điều trị kéo dài. Loại thứ hai tác động không chọn lọc với Hb nhưng gây quang đông mạch máu như laser Nd:YAG. Nhiều tác giả trên thế giới sử dụng laser Nd:YAG điều trị các tổn thương mạch máu trong khoang miệng đạt được kết quả tốt với nhiều ưu điểm như: đặc tính xuyên sâu, tán xạ rộng gây hiệu ứng quang đông lớn, hiệu quả điều trị cao, thời gian điều trị ngắn.
II. Đối tượng và phương pháp
2.1 Đối tượng:
- Đối tượng là bệnh nhân được chẩn đoán DDTM nông ở niêm mạc môi má.
- Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân ó DDTM nông niêm mạc môi- má, chưa được điều trị gì, có đủ hồ sơ bệnh án.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Các tổn thương đang viêm loét chảy máu. Các bệnh nhân mất liên lạc và không được kiểm tra lại.
2.2 Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu và tiên cứu
2.3 Phương tiện điều trị
Máy laser Nd:YAG
2.4 Đánh giá kết quả
- Việc đánh giá kết quả điều trị của tất cả các BN dựa trên các dấu hiệu lâm sàng trước và sau điều trị.
- Kết quả điều trị được đánh giá sau phẫu thuật ít nhất 3 tháng dựa trên hiệu quả làm hết khối DDTM và mức độ tổn thương niêm mạc.
+ Hiệu quả làm hết tổn thương: thể hiện bằng sự mất màu xanh tím và sự thay đổi diện tích của khối DDTM.
+ Mức độ tổn thương niêm mạc: thể hiện bằng tình trạng sẹo và biến dạng của cơ quan.
Tiêu chuẩn đánh giá mức độ kết quả điều trị (bảng 1).
Bảng 1. tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị
Kết quả |
Hiệu quả làm hết tổn thương |
Tình trạng sẹo- di chứng |
Tốt |
hết tổn thương >70%. |
sẹo mềm mại, không co kéo |
Vừa |
hết tổn thương từ 50-70%. |
sẹo co kéo nhẹ, không ảnh hưởng chức năng, thẩm mỹ |
Kém |
hết tổn thương <50%/ tái phát |
sẹo co kéo, ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ |
III. Kết quả nghiên cứu
3.1 Đặc điểm lô bệnh nhân nghiên cứu:
- Tổng số bệnh nhân: 31
- Tuổi: từ 2-58 tuổi, trung bình 20.39 ±16.13. Trong đó có 11 ca dưới 10 tuổi
- Giới tính: Nam 8 BN (25,8%), nữ 23 BN (74,2%), Tỉ lệ nữ/nam: 2.875
3.2 Đặc điểm lâm sàng của tổn thương
3.2.1 Vị trí tổn thương
Bảng 2. Vị trí tổn thương
Vị trí |
Số lần xuất hiện |
% |
Niêm mạc môi |
23 |
50 |
Niêm mạc má |
12 |
26.1 |
Niêm mạc góc mép |
11 |
23.9 |
Tổng số |
46 |
100 |
Nhận xét: trong 31 BN xuất hiện 46 tổn thương niêm mạc vùng môi má, u xuất hiện nhiều nhất ở môi, má. Trong đó có 2 BN xuất hiện tổn thương ở cả 3 vị trí, 11BN xuất hiện tổn thương ở 2 vị trí, 18 BN chỉ xuất hiện tổn thương ở 1 vị trí.
3.2.2 Thể lâm sàng của DDTM
Bảng 3. thể lâm sàng DDTM vùng môi má
Thể lâm sàng |
n |
% |
DDTMN đơn thuần |
25 |
80.6 |
DDTM hỗn hợp |
6 |
19.4 |
Tổng số |
31 |
100 |
Nhận xét: trong số 31BN chúng tôi thấy có 2 loại hình thái tổn thương khác nhau:
- DDTMN đơn thuần: khối tổn thương dị dạng chỉ tập trung trong lớp niêm mạc vùng môi má chiếm 80.6%
- DDTM hỗn hợp: bên cạnh tổ chức dị dạng nông trong niêm mạc vùng môi má còn có sự xuất hiện của khối dị dạng tĩnh mạch phân bố sâu len lỏi trong tổ chức cân cơ, xương hàm, lưỡi, sàn miệng... thường chúng tạo thành một khối tổ chức mềm lan rộng, thường có sỏi vôi hóa trong khối DDTM chiếm 19.4%.
3.3. Kết quả điều trị
・Gây mê tĩnh mạch ở trẻ em: 13 BN
・Gây tê tại chỗ: 18 BN
Quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng, nhẹ nhàng, không có bệnh nhân nào bị biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan...
Sau phẫu thuật bằng laser, tất cả các bệnh nhân được điều trị thuốc kháng sinh, giảm phù nề, giảm đau.
・Vùng chiếu laser Nd: YAG sưng nề nhẹ từ 2-5 ngày, có thể tạo giả mạc.
・Thường sau 10-15 ngày vết thương liền sẹo.
・Thời gian theo dõi sau điều trị: từ 3 đến 30 tháng
・80.7% BN chỉ cần điều trị 1-2 lần, những trường hợp cần điều trị từ 3 lần là những trường hợp có diện tích tổn thương lớn hoặc DDTM hỗn hợp.
- Kết quả: nhìn chung 31 BN đều có kết quả điều trị đạt yêu cầu, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến chức năng của vùng môi- má thể hiện rõ tác dụng điều trị của phương pháp.
Bảng 4. Kết quả điều trị
Kết quả điều trị |
Số BN |
Tỉ lệ |
Tốt |
19 |
74,2 |
Vừa |
12 |
25,8 |
Kém |
0 |
0 |
Tổng số |
31 |
100 |
Nhận xét: nhìn chung 31 BN đều có kết quả điều trị đạt yêu cầu, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến chức năng của vùng môi- má thể hiện rõ tác dụng điều trị của phương pháp. Các trường hợp có kết quả điều trị vừa đều là các trường hợp có dị dạng tĩnh mạch có diện tích lớn hoặc dị dạng thể hỗn hợp cần phải điều trị làm nhiều đợt.
Một số hình ảnh kết quả điều trị (Hình 1, hình 2, hình 3, hình 4):
Hình 1: BN Đồng Xuân T, nam, 8 tuổi, có DDTM ở mép-má trái.
A - ảnh trước điều trị |
B - ảnh sau điều trị 3 ngày |
C - ảnh sau điều trị 3 tháng |
|
|
|
Hình 2: BN Hoàng Công D, nam, 12 tuổi, có DDTMN thể hỗn hợp vùng má-mép trái
A - Trước điều trị |
B - Sau điều trị |
|
|
Hình 3: BN Thân Thu H, nữ, 34 tuổi, có DTMN môi dưới.
A - Trước điều trị |
B - Sau điều trị 3 ngày |
|
|
Hình 4: BN Nguyễn Thị Ch, nữ, 20 tuổi , bị DDTM hỗn hợp thành họng bên – má trái
A - Trước điều trị |
B - Sau điều trị lần 1 |
|
|
|
|
IV. Bàn luận
DDTM là một tổn thương lành tính, xu hướng không thoái triển, chiếm 50% các tổn thương lành lính gặp ở vùng đầu cổ gây ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ. Đa số tổn thương xuất hiện ở lứa tuổi trẻ. Các tổn thương có kích thước lớn thường gặp ở những bệnh nhân có xuất hiện DDTM ngay từ lúc mới sinh. DDTMN vùng môi liên quan đến nhiều yếu tố như thẩm mỹ, suy giảm chức năng hay khả năng tái phát sau khi cắt bỏ. Môi- má là thành phần thẩm mỹ chức năng quan trọng của khuôn mặt, mà tiểu đơn vị thẩm mỹ của nó cần phải được phục hồi về chức năng. Vì vậy mục tiêu điều trị là loại bỏ những tĩnh mạch giãn, không gây tổn thương sẹo co kéo cho niêm mạc, không gây biến dạng cấu trúc giải phẫu cũng như chức năng vùng môi- má. Các phương pháp thường sử dụng để điều trị các dị dạng tĩnh mạch nông niêm mạc môi- má bao gồm phẫu thuật, tiêm xơ. Phương pháp phẫu thuật bao gồm cắt bỏ và khâu xơ thường chỉ đạt kết quả tốt đối với các tổn thương nhỏ, ở vị trí thuận lợi dễ di động. Với các tổn thương lớn, lan tỏa, ở các vị trí như góc mép thường gặp khó khắn nhiều như chảy máu nhiều, gây biến dạng các đơn vị giải phẫu, nếu không lấy hết tổn thương dễ gây tái phát. Với phương pháp tiêm xơ tuy có làm giảm kích thước của tổn thương song phải điều trị làm nhiều lần, gây đau đớn cho bệnh nhân và dễ gây biến chứng do độc tính của các chất gây xơ. Cơ chế điều trị DDTM nông niêm mạc môi- má bằng laser Nd:YAG dựa trên hiệu ứng nhiệt của laser với mô sống.
Chúng tôi nhận thấy rằng, sau điều trị tổn thương sẹo niêm mạc môi- má là rất hạn chế. Sẹo niêm mạc nông, mềm mại, không gây co kéo, màu sắc sẹo không biến đổi nhiều so với niêm mạc bình thường, không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chức năng vùng môi má. Với kết quả như vậy đã đạt được hiệu quả điều trị cũng như sự hài lòng của bệnh nhân, theo chúng tôi là hoàn toàn chấp nhận được. Các tổn thương có kích thước lớn không thể xử lý bằng cách cắt bỏ vì dễ gây xuất huyết, rối loạn cấu trúc giải phẫu và chức năng không thể chấp nhận được thì tác động của laser Nd:YAG là một phương pháp điều trị đơn giản với ít biến chứng và cho nhiều kết quả khả quan.
Nhược điểm: kỹ thuật chiếu trực tiếp laser lên bề mặt tổn thương đạt kết quả không cao với các tổn thương ở sâu do đó các bệnh nhân có DDTM thể hỗn hợp mặc dù đã khỏi các tổn thương ở nông vẫn còn phải tiếp tục điều trị nhiều lần để khu trú tổn thương ở sâu và có thể phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
V. Kết luận
Điều trị dị dạng tính mạch nông niêm mạc môi -má bằng laser Nd:YAG quang đông bề mặt là phương pháp điều trị có hiệu quả cao (kết quả tốt đạt 74,2%, kết quả vừa đạt 25,8%, không có kết quả kém), số lần điều trị ít (80.7% bệnh nhân chỉ cần 1-2 lần điều trị), ít biến chứng, ít tái phát.