Nghiên cứu ứng dụng laser trong điều trị u mạch máu trẻ em

Nghiên cứu ứng dụng laser trong điều trị u mạch máu trẻ em

PGS.TS.BS Phạm Hữu Nghị

I. Đặt vấn đề

Các u mạch máu trẻ em (Infantile Hemangioma), đặc biệt là các u mạch máu thể nông ở da là một bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em. Khi phát triển tăng sinh, u có thể gây ra nhiều biến chứng như chèn ép các cơ quan lân cận, các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng, hậu môn  hay chảy máu, loét, nhiễm trùng… nhiều khi rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Bên cạnh đó, sự có mặt của u trên cơ thể đứa trẻ luôn gây sự lo lắng, bất an cho bố mẹ và gia đình cháu, nhiều khi chấn thương tâm lý này phát triển vượt quá mối đe dọa nguy hiểm thực tế của u. Vì vậy nhu cầu điều trị u mạch máu trẻ em là rất lớn.  Cho đến nay, đã có nhiều phương pháp điều trị u như phương pháp theo dõi bảo tồn chờ u tự thoái lui, các phương pháp điều trị nội khoa bằng  corticoide, interferon-α2A, Propranolon… hay các phương pháp điều trị can thiệp  bằng tiêm xơ, áp lạnh, đốt điện, chiếu tia phóng xạ hay phẫu thuật…song vẫn còn rất khó khăn. Gần đây phương pháp điều trị bằng laser được áp dụng đã thu được nhiều kết quả khả quan với ít biến. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như tính thời sự của phương pháp điều trị bằng laser, chúng tôi tiến hành nghiên cứu ứng dụng điều trị u mạch máu trẻ em bằng laser với mục tiêu đánh giá kết quả điều trị u mạch máu trẻ em bằng laser Nd:YAG và bàn về chỉ định của phương pháp.

 

Về đặc điểm lâm sàng UMMTE (u mạch máu trẻ em) của nhóm bệnh nhi được nghiên cứu: Nhìn chung đặc điểm lâm sàng của UMMTE trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi không có u nào ở giai đoạn thoái lui khi trẻ đạt 12 tháng tuổi. Chúng tôi gặp 39,29%  bệnh nhi có u ở ví trí có nguy cơ cao về sự nguy hiểm, đó là khi u ở vùng các lỗ tự nhiên của cơ thể như mắt, mũi , miệng, tai, hậu môn-sinh dục và khi u ở vị trí gần hay tại các thóp trên đầu đứa trẻ . Sự nguy hiểm của u trước hết là các biến chứng từ bản thân u mà ở bất cứ vị trí nào cũng có thể gặp như  loét, chảy máu, nhiễm trùng… Sự nguy hiểm của u còn thể hiện bởi sự chèn ép, cản trở của u đối với các cơ quan đó cả về mặt chức năng cũng như thực thể.

 

II. Kết quả điều trị của phương pháp điều trị UMMTE bằng laser

Với mục tiêu thực tế của việc điều trị UMMTE, kỹ thuật điều trị của chúng tôi được xây dựng dựa trên sự tìm tòi, kinh nghiệm của bản thân, đặc điểm của máy laser, đồng thời học tập, áp dụng cách làm và kinh nghiệm của các tác giả khác trên thế giới.. Với kỹ thuật như trên, kết quả điều trị thu được kết quả tốt là 76,19 %, kết quả vừa là 14,29 % và kết quả kém là 9,52 % với số lần điều trị là 1 lần cho 75,0%  bệnh nhi, 2 lần điều trị cho 14,29 %  bệnh nhi và trên 3 lần điều trị cho 10,71 % bệnh nhi. Sẹo có thể thấy ở phần lớn các u được điều trị nhưng không có sẹo lồi, sẹo phì đại. Với kết quả điều trị trong một số trường hợp, chúng tôi thấy nếu chỉ điều trị bằng laser đơn thuần sẽ khó đạt được kết quả tốt vì thế chúng tôi đã tiến hành điều trị kết hợp với các phương pháp khác ở phạm vi nhỏ với 2 bệnh nhi. Kết quả cuối cùng cả 2 bệnh nhi đều đạt kết quả tốt.

 

III. Bàn về chỉ định, chiến thuật điều trị UMMTE bằng Laser:

Cho đến nay, việc điều trị UMMTE vẫn là điều trị đa phương pháp. Với sự hiểu biết ngày càng sâu về UMMTE, nhiều tác giả hiện nay đã coi phương pháp điều trị bảo tồn, theo dõi mà không làm gì cả để chờ u tự thoái lui, thường sau 3 đến 5 tuổi là một trong những phương pháp điều trị cơ bản đối với UMMTE. Phương pháp này có ưu điểm là không nguy hiểm và không phải can thiệp gì, nhiều u sau khi thoái lui hoàn toàn đã không để lại dấu vết gì và da trở về bình thường. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là: (1) Không thể dự đoán trước được liệu u có thoái lui không? Bao giờ thì thoái lui? Và có thoái lui hết hoàn toàn không? (2) Phải chấp nhận một cách thụ động nhìn u phát triển cùng với các biến chứng của u có thể xẩy ra với một áp lực tâm lý nặng nề, (3) Trong nhiều trường hợp ngay cả khi u đã thoái lui hết vẫn để lại phần da chất lượng kém, thừa da, răn rúm, thẩm mỹ kém, thậm trí là sẹo, cần phải điều trị tiếp bằng phẫu thuật. Vì vậy áp dụng phương pháp này sẽ khó khả thi trong nhiều trường hợp. Điều trị UMMTE bằng phương pháp nội khoa với Corticoide (uống Prednisolon hay tiêm Triamcinolon hoặc gần đây là Propranolon…) cũng như phương pháp phẫu thuật đều có những ưu nhược điểm riêng và chỉ phát huy tác dụng tốt khi có chỉ định đúng. Phương pháp điều trị bằng laser là phương pháp can thiệp phá hủy cục bộ u với hiệu quả cao. Vì thế việc áp dụng laser trong điều trị UMMTE phải dựa trên nguyên tắc là đem lại lợi ích tối đa cho bệnh nhi và giảm thiểu sẹo ở mức thấp nhất và sẹo chấp nhận được (sẹo thẩm mỹ cao).

Để có thể thu được kết quả điều trị tốt, theo chúng tôi, trước hết phải dựa vào đặc điểm tiến triển của UMMTE; thể lâm sàng của u và đặc tính của laser. Vì vậy cần có chỉ định, chiến thuật và kể cả điều trị kết hợp với các phương pháp khác để giảm thiểu tối đa nhược điểm. Thời điểm điều trị là thời điểm càng sớm càng tốt kể từ khi u xuất hiện.

Thực tế kết quả điều trị cho thấy những trường hợp nào được thực hiện tốt chủ trương và mục tiêu trên đều cho kết quả tốt, ít sẹo. Mặt khác, theo chúng tôi cần dựa vào các đặc điểm của u như diện tích, vị trí, thể lâm sàng của u để đưa ra chỉ định và chiến thuật điều trị cho phù hợp.

 

IV. Một số kết quả điều trị

– Bệnh nhân N.P.T có u thể lan tỏa ở ½ mặt phải. A là ảnh trước điều trị lúc 3 tháng tuổi, u biến mất ở trán, mi trên và 1 phần ở má môi, diện tích u thu nhỏ lại. B  là ảnh sau điều trị laser 3 tháng, kết quả tốt.

A – trước điều trị, 3 tháng tuổi

u biến mất ở trán, mi trên và 1 phần ở má môi, diện tích u thu nhỏ lại

B – sau điều trị laser 3 tháng

kết quả tốt

Nghiên cứu ứng dụng laser trong điều trị u mạch máu trẻ em 1 Nghiên cứu ứng dụng laser trong điều trị u mạch máu trẻ em 2

 

– Bệnh nhân N.V.N có u thể hỗn hợp ở mi trên trái.

A – trước điều trị, 3 tháng tuổi B – sau điều trị laser 4 tháng

Phần u ở dưới da mi trên đã thu nhỏ lại

Nghiên cứu ứng dụng laser trong điều trị u mạch máu trẻ em 3 Nghiên cứu ứng dụng laser trong điều trị u mạch máu trẻ em 4

 

V. Kết luận

Với phương pháp điều trị bằng laser Nd:YAG đã áp dụng, kết quả điều trị UMMTE đạt kết quả tốt là 76,19 %, kết quả vừa là 14,29 % và kết quả kém là 9,52 %  trong đó 75,0%  bệnh nhi chỉ cần 1 lần điều trị. Các u thể nông có kích thước nhỏ thường đạt kết quả tốt cao và nhiều hơn các u có kích thước vừa và to một cách có ý nghĩa thống kê  (P< 0,05). Các u thể nông có diện tích rộng, u thể lan tỏa, u thể gồ cao và u thể hỗn hợp có tỉ lệ kết quả tốt không cao. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là có thể làm mất u hoặc làm hạn chế đến làm ngừng sự phát triển của u với hiệu quả cao với số lần và thời gian điều trị ngắn và có thể điều trị u với kích thước lớn, với mọi hình dạng và vị trí trên da. Tuy sẹo có thể thấy ở phần lớn các u được điều trị, nhưng không có sẹo lồi nên điều trị càng sớm càng tốt với mục tiêu trước hết là hạn chế sự phát triển của u.

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Đăng kí tham gia
“Hồi sinh làn da sau mùa dịch”

ĐĂNG KÍ TƯ VẤN
TỪ BÁC SĨ