U máu gan trên siêu âm có hình ảnh như thế nào?

Siêu âm gan là một biện pháp đơn giản, không xâm lấn cho phép chẩn đoán bệnh lý ở gan. U máu gan là một bệnh lý lành tính, thông thường có thể thấy trên siêu âm gan. Để biết u máu gan trên siêu âm có hình ảnh như thế nào thì hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bệnh u máu gan là gì?

U máu gan trên siêu âm có hình ảnh như thế nào?

Trong cơ thể chúng ta u máu có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào. Trong đó gan là vị trí thường xuất hiện u máu nhất, u máu gan là khối u hình thành do sự tập trung nhiều mạch máu. Hầu hết các trường hợp u máu ở gan thường không gây ra những triệu chứng bất thường ở gan và đa số được phát hiện một cách tình cờ thông qua thăm khám sức khỏe. 

Người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra u máu gan, nhưng một số yếu tố như giới tính nữ gặp nhiều hơn nam, sự tăng hormone sinh dục và có thể liên quan tới yếu tố di truyền gây ra.

U máu gan là tình trạng lành tính, rất hiếm khi ung thư hoá và biến chứng. Tuy nhiên, vẫn cần được phát hiện sớm để được theo dõi và điều trị khi cần thiết, vì biến chứng hiếm gặp nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho người mắc bệnh. Siêu âm được cho là biện pháp hiệu quả, an toàn và chi phí hợp lý có thể khảo sát và phát hiện được u máu gan.

Hình ảnh u máu gan trên siêu âm 

Siêu âm gan là một phương pháp sử dụng sóng âm có tần số từ 3 đến 5 Hz đi qua mô của gan, sau đó với mỗi mô khác nhau sẽ thu được hình ảnh khác nhau. Từ đó giúp chúng ta nhận biết được tình trạng mô đó bình thường hay bất thường. 

Siêu âm gan là một phương pháp hiệu quả, đơn giản và không xâm lấn cho phép chẩn đoán bệnh u máu gan. Tùy từng thể u máu gan mà cho hình ảnh có điểm khác nhau, dưới đây là một số dạng có thể quan sát trên siêu âm gan:

  • U máu gan điển hình: Đây là dạng thường gặp trong đại đa số trường hợp mắc u máu gan, kích thước khối u máu này trung bình là dưới 3cm. Hình ảnh u máu gan trên siêu âm là khối tăng âm, có ranh giới rõ, vùng phía sau khối u máu tăng âm. Ở vùng trung tâm của tổn thương có thể thấy giảm âm hơn so với ngoại vị. 
  • U máu gan không điển hình: U máu gan dạng không điển hình trên siêu âm có thể là khối giảm âm, đồng âm hoặc âm không đều. Giảm âm xảy ra trong trường hợp gan nhiễm mỡ, vì nhu mô gan nhiễm mỡ sẽ tăng âm nên khối u máu có thể làm giảm âm so với nhu mô vùng bên cạnh. Khối u máu tăng giảm âm không đều xảy ra trong trường hợp xơ gan, có huyết khối gan, xuất huyết khối u, hoặc khối u hóa lỏng, lúc này hình ảnh u máu gan trên siêu âm là một khối lớn, không đồng âm, tăng âm vùng ngoại vi, giảm âm hoặc rỗng âm vùng trung tâm. Hiếm gặp thể đồng âm với nhu mô gan. Trường hợp này dễ nhầm lẫn với chẩn đoán các khối khác trong gan như nang gan, ung thư gan( thường là khối giảm âm, tăng sinh mạch), áp xe gan…cần thêm xét nghiệm để chẩn đoán xác định. 

Với những trường hợp còn nhiều nghi ngờ với những tổn thương khác hoặc lâm sàng không rõ ràng thì có thể cần kết hợp với một số phương pháp khác, giúp chẩn đoán bệnh này gồm:

  • Chụp CT scan ổ bụng: Chụp CT  scan sử dụng tia X để ghi lại và xử lý, tạo dựng hình ảnh trên máy tính từ đó nhận ra được tổn thương. 
  • Chụp MRI: Chụp MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để tạo lại hình ảnh mô cần khảo sát.
  • Chụp phóng xạ: phương pháp chụp phóng xạ là kỹ thuật tái tạo hình ảnh của gan bằng các chất đồng vị phóng xạ.
  • Sinh thiết gan: Với trường hợp hình ảnh nghi ngờ tổn thương ác tính, người ta cần sinh thiết để loại trừ tổn thương ác tính. 

Hình ảnh u máu trên siêu âm có thể điển hình giúp chẩn đoán bệnh, nhưng nhiều trường hợp có thể chẩn đoán nhầm do hình ảnh giống với tổn thương khác hoặc bỏ sót nếu u máu quá nhỏ. Để có thể hạn chế được những chẩn đoán không chính xác bạn nên tới những cơ sở có bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm và thiết bị siêu âm cũng ảnh hưởng nhiều tới kết quả chẩn đoán bệnh. 

Dịch vụ liên quan:

  1. LASER XUNG DÀI, Phương pháp điều trị U mạch máu trẻ em an toàn - không để lại sẹo
  2. U máu trong miệng là gì & có nguy hiểm không?
  3. Làm gì khi bị u máu niêm mạc miệng?

 

Tags:

Bài viết liên quan