U máu trong gan là bệnh gì?
U máu trong gan là một dạng tổn thương lành tính hay gặp nhất ở gan. U máu trong gan có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng đa số gặp ở nữ giới. Khi được chẩn đoán bệnh này có thể khiến nhiều người thấy lo lắng, để có thêm hiểu biết đúng về bệnh này và tránh việc lo lắng không cần thiết hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
U máu trong gan là gì?
U máu là một khối u lành tính có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan trên cơ thể như ở da, niêm mạc và nội tạng như gan, lách, thận…
U máu trong gan là một dạng u máu nội tạng, tỷ lệ mắc bệnh u máu trong gan chiếm khoảng 5-7%. Có thể có một hoặc nhiều u máu trong gan, kích thước thay đổi thường không vượt quá 5cm.
Thông thường, người gặp phải tình trạng này ít khi gây ra những biểu hiện lâm sàng, thường được phát hiện tình cờ khi thăm khám định kỳ.
Bệnh không có nguy cơ tiến triển thành bệnh ác tính, nếu có thường do ngay từ đầu chẩn đoán nhầm với một khối ung thư cũng có hình ảnh gần tương tự.
Nguyên nhân nào gây ra u máu trong gan
Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác tại sao cơ thể một số người lại có sự xuất hiện của u máu. Tuy nhiên, người ta nhận thấy một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:
- Bệnh có thể là do gen gây ra, có nghĩa là u máu sinh ra do di truyền. Những người có người thân cận mắc bệnh thì cũng có nguy cơ bị cao hơn.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc u máu gan cao hơn so với nam giới rất nhiều lần. Thường có sự liên quan với sự tăng nồng độ estrogen trong máu như trong thai kỳ hoặc điều trị estrogen ở phụ nữ mãn kinh.
- Liệu pháp hormon thay thế: Nguy cơ u máu ở những người điều trị bằng liệu pháp hormon thay thế để giảm các triệu chứng mãn kinh cao hơn so với người không điều trị.
- Tuổi tác: Hầu hết u máu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ cao hơn ở độ tuổi từ 30-50 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết u máu trong gan
Hầu hết u máu không có bất kỳ dấu hiệu nào mà thường chỉ được phát hiện thông qua kiểm tra sức khỏe, như chụp cắt lớp hay siêu âm gan. Trường hợp u máu to trên 4cm, nằm ở vị trí gần bao gan gây ra chèn ép hay có huyết khối trong u thì sẽ gây ra một số triệu chứng như:
- Đau hạ sườn phải: Là vùng bụng phía trên bên phải, dưới bờ sườn.
- Thường có cảm giác đầy bụng sau khi ăn, nôn và buồn nôn.
- Ăn nhanh no dù lượng thức ăn ít.
- Chán ăn, mệt mỏi.
- Nếu xuất hiện biến chứng vỡ u máu có thể thấy choáng, chóng mặt, mệt, đau nhiều vùng gan…thường xuất hiện sau chấn thương.
Các triệu chứng này của thường không điển hình và dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Cho nên để chắc chắn cần phải đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh.
Làm gì khi bị u máu trong gan?
Rất nhiều người cảm thấy lo lắng khi mắc phải tình trạng này, tuy nhiên đa số các trường hợp đều lành tính, ít xảy ra biến chứng. Cho nên, khi gặp phải tình trạng này cần thực hiện một số điều sau:
- Tránh lo lắng và có những biện pháp điều trị không cần thiết. Bởi không có thuốc nào có thể giúp khối u nhỏ đi. Bạn chỉ cần sinh hoạt điều độ, tránh việc chấn thương vùng gan nhất là những người có khối u máu lớn.
- Thăm khám định kỳ: Định kỳ khoảng 6 tháng bạn nên thăm khám một lần để theo dõi tình trạng u của mình.
- Trường hợp bạn thấy đau nhiều, ảnh hưởng tới sinh hoạt bạn nên thăm khám sớm để có biện pháp điều trị phù hợp.
- Phụ nữ mang thai có thể khiến u máu trong gan phát triển lớn hơn. Cho nên, nếu bị u máu trong gan thì trước thai kỳ hoặc trong thai kỳ cần lưu ý siêu âm để theo dõi khối u máu này.
Nói chung, đây là một tổn thương lành tính chưa rõ thực sự nguyên nhân gây bệnh và thường liên quan tới hormone nữ. Rất hiếm khibệnh gây ra biến chứng, nhưng vẫn cần theo dõi định kỳ để kiểm soát biến chứng nếu có thể, nhất là trong thai kỳ.
Dịch vụ liên quan:
- LASER XUNG DÀI, Phương pháp điều trị U mạch máu trẻ em an toàn, không để lại sẹo
- U máu trong miệng là gì? Có nguy hiểm không?
- U MÁU TRẺ EM VÀ NHỮNG BIẾN DẠNG THẨM MỸ